Điều gì đang xảy ra với cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản?

Các nước Đông Nam Á ngày càng có vị trí quan trọng trong quan hệ quốc tế giữa Nhật Bản và thế giới. Trong đó, Việt Nam được coi là một điểm sáng trên bản đồ đầu tư của các công ty Nhật Bản. Khi giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được chú trọng thì số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản cũng vì vậy mà tăng lên, có thể nói là tăng đột biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, cộng đồng du học sinh ở Việt Nam chưa đủ mạnh để đảm đương được làn sóng du học mang tính ồ ạt này. Nhất là trong làn sóng du học Nhật Bản đó, có những người mang danh nghĩa du học nhưng mục đích chính là đi làm thêm kiếm tiền. Cách thức kiếm tiền này có thể là hợp pháp, có thể là phi pháp, nhưng những cách thức kiếm tiền phi pháp đang gia tăng , nó có khả năng làm đổ vỡ hoàn toàn khối cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.

Đầu tiên, tại sao lại có hiện tượng này xảy ra ? Nếu người Việt Nam sang Nhật Bản, họ phần lớn là các tu nghiệp sinh, hoặc du học sinh. Tuy nhiên, nếu là tu nghiệp sinh, những tu nghiệp sinh bị quản lý chặt chẽ bởi công ty, và họ rất có ít khả năng quay lại Nhật Bản. Luật dành cho tu nghiệp sinh quy định rằng, sau ít nhất 1 năm quay về Việt Nam họ mới có thể tiếp tục nộp đơn xét quay lại Nhật. Và việc xét hồ sơ sang Nhật một lần nữa phần lớn là rất khó khăn. Trong khi đó, nếu là lưu học sinh, lưu học sinh không chịu một sự quản lý nào thực sự chặt chẽ cả. Và họ có thể quay lại Nhật Bản tuỳ lúc, nếu đạt đủ điều kiện của cục xuất nhập cảnh Nhật Bản.

Một lý do không kém phần quan trọng khác, đó là sự quảng cáo mang tính lừa bịp của các trung tâm gửi lưu học sinh sang Nhật Bản. Rằng các lưu học sinh có thể kiếm dễ dàng vài chục tới cả trăm triệu đồng một tháng.

Các nhân tố này làm cho số lượng người sang Nhật Bản dưới thị thực lưu học sinh tăng lên nhanh chóng. Một nhân tố nữa càng làm làn sóng này lên cao, đó là sự thành lập ồ ạt các trường dạy tiếng Nhật tại Nhật Bản. Trong khuynh hướng khuếch đại sự ảnh hưởng của Nhật Bản ra thế giới, việc lập các trường tiếng Nhật mới tại Nhật Bản được diễn ra khá dễ dàng. Điều này càng góp phần gia tăng sức hút đối với học sinh, nhất là đã khiến các học sinh từ các nước Đông Nam Á tăng mạnh.
Sự tăng vọt của lượng du học sinh từ Việt Nam tới Nhật Bản, so với năm 2006, con số này đã tăng gấp 3 lần. (Số liệu chính xác từ Bộ Tư Pháp Nhật Bản)​

Sự lùm xùm trong cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật vốn tồn tại âm ỉ. Nó chỉ chính thức bùng nổ, khi một tấm bảng cảnh cáo người Việt Nam không được ăn cắp đồ trong siêu thị, tại thành phố Saitama của Nhật Bản được đăng lên trang Page của mạng xã hội Facebook của hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc này, tới nỗi, chỉ một thời gian sau, nó đã được đưa lên các báo chí nổi tiếng trong nước như Dantri, Vnexpress...

[​IMG]
Ảnh 1: Tấm ảnh bắt đầu sóng gió trong cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản​
Sự việc xảy ra, khi một người Việt tự xưng là du học sinh người Việt, ăn cắp đồ ở siêu thị, bị cảnh sát đuổi bắt và trong lúc trốn chạy đã đánh lại nhân viên bảo vệ của siêu thị tại thành phố Saitama. Sự lan toả của mạng xã hội khiến sự việc càng lan nhanh, và trong một thời gian ngắn sau đó, một vị chức trách trong quản lý lưu học sinh Việt Nam người Nhật đã gửi một bức thư yêu cầu các trường tiếng Nhật chỉ đạo dạy lưu học sinh Việt Nam không được ăn cắp ăn trộm bằng tiếng Nhật. Bức thư này sau đó được thông qua Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản. Sau khi được chuyển tới các trường tiếng Nhật họ đã dịch sang tiếng Việt, đưa cho lưu học sinh Việt Nam biết nhằm răn đe. Tuy nhiên, cũng chính bức thư đó đã tạo sự bất bình lớn trong cộng đồng lưu học sinh chân chính - những người tới Nhật Bản với mục đích là học tập và nghiên cứu. Qua việc này, chúng ta có thể thấy được sự lúng túng trong việc quản lý lưu học sinh Việt Nam của phía Nhật Bản và sự thụ động trong đối phó của Hội sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản.
[​IMG]

Ảnh 2: Ảnh chụp màn hình một thông báo trên Facebook​

Sự việc lưu học sinh Việt Nam ăn cắp đồ tại siêu thị và những lùm xùm quanh việc đó chưa kịp chấm dứt hẳn, thì một sự việc nghiêm trọng khác đã xảy ra. Đó là sự việc một nhóm du học sinh Việt Nam sắp hết hạn thị thực tại Nhật Bản cấu kết với nhau lừa đảo chính các lưu học sinh Việt Nam khác. Sự việc như sau: Do số lượng người có thị thực lưu học sinh nhưng mục đích chính là đi làm thêm kiếm tiền không ngừng tăng lên, và một số lượng lớn lưu học sinh không có việc làm do trình độ tiếng Nhật yếu kém tạo ra nhu cầu rất lớn trong việc tìm việc làm thêm tại Nhật Bản và yêu cầu chuyển từ visa lưu học sinh sang visa đi làm. Nhóm lưu học sinh này đã đóng giả là một công ty giới thiệu việc làm và chuyển đổi visa và đã thu hút được gần một trăm lưu học sinh nhẹ dạ cả tin, số tiền chúng thu được lên tới cả tỷ đồng Việt Nam. Ngoài ra, chúng còn mạo danh việc đứng lên tìm việc làm hộ để lấy các giấy tờ chứng minh thân phận các lưu học sinh khác để đăng ký mua các điện thoại di động đắt tiền, ipad...mang về Việt Nam. Cuối cùng, các lưu học sinh đã đăng ký với "công ty" kia tiền mất, tật mang. Nhưng nó còn gây ra hậu quả tai hại hơn nữa, đó là sự băng hoại của cộng đồng lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Việc lừa đảo dưới danh nghĩa giới thiệu việc làm thêm cho nhau ở cộng đồng người Việt tại Nhật không phải là hiếm hoi. Trung bình cứ mỗi một tháng lại có một du học sinh đang tìm việc làm lên trên Facebook để nhờ người khác tìm ra kẻ đã cuỗm lấy tiền của mình. Số tiền bị lừa thường thấy là từ 2 vạn tới 5 vạn yên. Tức từ 4 đến 10 triệu đồng Việt Nam. Nắm bắt được nhu cầu tìm việc làm, thuê nhà ở, làm các hồ sơ tại Nhật, có rất nhiều lưu học sinh có trình độ tiếng Nhật khá bắt đầu tổ chức các hình thức dịch vụ như vậy với giá cắt cổ. Tuy không phải là lừa đảo, nhưng tại Nhật Bản, nơi mà có tinh thần người đi trước chỉ cho kẻ đi sau, tức tiền bối (tiếng Nhật là Sempai) chỉ bảo, giúp đỡ hậu bối (tiếng Nhật là Kohai ) được coi trọng, hình thức dịch vụ này bị lên án mạnh mẽ.

Những hình thức lừa đảo, lấy tiền dịch vụ tại Nhật Bản thường xoay quanh các việc liên quan tới:

a. Giới thiệu việc làm thêm

b. Giới thiệu thuê nhà

c. Giới thiệu, hướng dẫn mua điện thoại, cài đặt Internet

Tại sao lại có những sự việc đáng tiếc như vậy xảy ra ? Lý do được cho là trình độ tiếng Nhật của lưu học sinh Việt Nam mới sang Nhật quá kém. Họ không thể hiểu tiếng Nhật, họ không thể hiểu văn hóa Nhật Bản. Và lý do đó khiến họ dễ bị lừa, khi mà vũng nước du học sinh Việt Nam tại Nhật bị pha quá đục. Thời gian ngắn nhất để một du học sinh có thể tạm bắt đầu hiểu tiếng Nhật và văn hóa Nhật là 6 tháng sống tại Nhật. Tuy nhiên, phần lớn du học sinh Việt Nam đốt cháy giai đoạn, họ một phần nóng lòng muốn đi làm thêm ngay để kiếm tiền, có thể là để trang trải chi phí du học từ Việt Nam cho gia đình, hoặc đơn giản hơn là kiếm tiền sinh hoạt phí, vì phí sinh hoạt tại Nhật Bản rất đắt đỏ. Một bộ phận sang Nhật muốn đi làm ngay thì càng nóng lòng kiếm việc làm thêm hơn. Vì vậy, chỉ sau khi sang Nhật được 1 tới 2 tháng, họ đã bắt đầu tìm việc làm thêm. Và với trình độ tiếng Nhật còn yếu kém ở giai đoạn như vậy, họ không thể kiếm được việc, và bắt buộc phải nhờ qua các mối quan hệ, và đây là sự móc nối tới việc bị lừa đảo, hoặc trả phí dịch vụ.

Việc làm thêm ở Nhật Bản, đối với lưu học sinh là rất cần thiết. Đặc biệt là du học sinh Việt Nam, gần 100% du học sinh Việt Nam tại Nhật đều đi làm thêm. Tuy nhiên, việc vừa đi làm kiếm tiền, vừa học tập tiếng Nhật và học tập tốt trên trường học là một việc khá khó khăn. Có một số trường hợp du học sinh Việt Nam đã tìm đến con đường tự kết liễu cuộc sống để thoát khỏi những áp lực cuộc sống tại Nhật. Vào năm 2011, một du học sinh theo học tại đại học Osaka đã tự đâm nhiều nhát dao vào cơ thể mình. Sau này, khi được cảnh sát cứu sống, anh ta đã tự thừa nhận là do cuộc sống Nhật Bản quá áp lực. Và gần đây, tháng 8 năm 2013, một du học sinh Việt Nam đã treo cổ tự sát tại trường đại học kinh tế Nagoya. Lý do tự sát còn chưa được làm rõ.

Có thể nói, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản đang trải qua một thời kỳ khó khăn về lòng tin. Khi mà người Việt đánh mất lòng tin lẫn nhau. Nếu không có giải pháp, mà có lẽ là rất khó khăn để tìm được giải pháp thích hợp, khi mà số lượng du học sinh Việt Nam sang Nhật Bản chưa có dấu hiệu giảm sút, thì có lẽ sẽ dẫn tới một hậu quả là Nhật Bản sẽ thắt chặt chính sách du học sinh, đối với Việt Nam nói chung và các nước thứ 3 nói chung. Giống như cách đây 10 năm, họ đã thắt chặt chính sách này với du học sinh Trung Quốc, sau khi xảy ra sự kiện một du học sinh Trung Quốc sát hại hiệu trưởng trường tiếng Nhật nơi mình đang theo học.

Năm 2013 là năm kỷ niệm 40 năm thành lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Đó là sự đánh dấu hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, trong khi tình hình thế giới còn nhiều biến động. Lực lượng du học sinh được coi là lực lượng quan trọng trong mối quan hệ này. Việt Nam cũng rất cần những du học sinh có trình độ kỹ thuật cao được đào tạo bài bản từ Nhật Bản để gánh vác trách nhiệm phát triển đất nước sau này. Chính lúc này, chúng ta nên ngồi lại với nhau, và nghĩ về những con đường, và định hướng phát triển cho tương lai Việt Nam. Bài viết này xin gửi tới những du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản, và những học sinh Việt Nam nuôi ước mơ du học Nhật Bản.

-----------------------------------------------------------
Từ một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.

Post a Comment

Previous Post Next Post

Blog ads

google ads