Một chính trị gia có tiếng của Nhật Bản hôm qua tuyên bố việc quân đội nước này sử dụng phụ nữ ở các quốc gia láng giềng làm nô lệ tình dục trong thời chiến là điều hoàn toàn đúng đắn.
Toru Hashimoto, thị trưởng Osaka, một chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy. Ảnh: AP
Toru Hashimoto, một chính trị gia trẻ tuổi, đồng thời là thị trưởng Osaka, thành phố lớn thứ ba Nhật Bản, hôm qua tuyên bố việc sử dụng nô lệ tình dục trước và trong Thế chiến II của quân đội nước này là nhằm "duy trì kỷ luật" và thỏa mãn nhu cầu của binh sĩ.
Ông cũng nói thêm rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng cho thấy, những phụ nữ này đã bị ép buộc phải trở thành "công cụ giải khuây" cho binh sĩ Nhật Bản.
"Đó là hành động cần thiết, nhằm duy trì kỷ luật trong quân đội", Hashimoto, người cũng là đồng chủ tịch của Đảng Chấn hưng Nhật Bản, một đảng bảo thủ mới nổi, nói.
"Nếu bạn muốn các binh sĩ, những người phải mạo hiểm cả mạng sống trong bối cảnh bom rơi đạn lạc, cống hiến hết mình, bạn phải cho họ cơ hội được thỏa mãn nhu cầu tình dục. Ai cũng biết điều đó", AP dẫn lời Hashimoto.
Phát biểu trên của ông Hashimoto đã nhanh chóng làm dậy lên một làn sóng phản đối ở các quốc gia láng giềng từng bị Nhật Bản xâm lược trong thời chiến.
Các sử gia cho biết, khoảng 200.000 phụ nữ, phần lớn thuộc bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, đã bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật trong Thế chiến II.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Yonhap, một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết, ông rất thất vọng khi phải chứng kiến một quan chức cấp cao của Nhật Bản "đưa ra những tuyên bố ủng hộ tội ác chống lại loài người và cho thấy sự thiếu hiểu biết nghiêm trọng về lịch sử cũng như sự tôn trọng đối với phụ nữ".
Tuyên bố gây tranh cãi của chính trị gia Hashimoto được đưa ra đúng lúc Tokyo phải đối mặt với một làn sóng phản đối dữ dội từ những nước trong khu vực, cũng về vấn đề nô lệ tình dục trong chiến tranh. Trước khi nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Abe đã chủ trương sửa đổi một tuyên bố được đưa ra năm 1993, trong đó thừa nhận sai lầm và bày tỏ hối hận trước những đau khổ mà quân đội nước này đã gây ra cho hàng trăm nghìn nô lệ tình dục.
Mặc dù thừa nhận sự tồn tại của những "công cụ giải khuây", nhưng chính quyền Abe lại bác bỏ nhận định cho rằng những phụ nữ này đã bị ép buộc phải trở thành nô lệ tình dục.
Tuy nhiên gần đây, nhiều quan chức hàng đầu trong chính phủ Nhật Bản lại bày tỏ thái độ nhún nhường, như một cách để làm dịu đi căng thẳng với Seoul và Bắc Kinh, trong bối cảnh căng thẳng trong khu vực đang gia tăng.
"Lập trường của chính phủ Nhật Bản trong vấn đề nô lệ tình dục rất rõ ràng, rằng họ đã phải chịu đựng những tổn thương sâu sắc. Quan điểm của chính quyền Thủ tướng Abe không hề thay đổi so với trước đây", chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga nói.
"Tuyên bố của ông Hashimoto được đưa ra không hề đúng lúc", bộ trưởng bộ Giáo dục Hakubun Shimomura nói với cánh phóng viên. "Tôi tự hỏi liệu một phát biểu kiểu như vậy có thể mang lại điều gì tốt đẹp?"
Sakihito Ozawa, cựu bộ trưởng môi trường Nhật Bản, cho rằng "phát ngôn của Hashimoto chỉ nhằm thể hiện quan điểm cá nhân của ông ấy", nhưng vẫn bày tỏ sự quan ngại trước những hậu quả mà tuyên bố này có thể gây ra.